Sáng 17/8, tại Trường Chính trị tỉnh, UBND tỉnh phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo về nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến, hướng tới chính quyền số trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Tiến sĩ Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển, phát biểu đề dẫn hội thảo Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển, cho biết: Năm 2023, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tiến hành lựa chọn 3 tỉnh, thành phố đại diện cho 3 miền để khảo sát, điều tra và đánh giá về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Trong đó, có Bình Phước là tỉnh phía Nam được lựa chọn để khảo sát, điều tra với đặc trưng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 20%), đường biên giới nhiều. Do đó, việc điều tra sẽ giúp làm rõ hơn vai trò của DVCTT, chuyển đổi số đối với người dân, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh phát biểu tại hội thảo Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đã thông tin nhanh về tình hình DVCTT của tỉnh. Bình Phước hiện có 2.025 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Trong đó, có 1.850 DVCTT toàn trình, chiếm 91,3%; 156 DVCTT một phần, chiếm 7,7%.
Tỉnh đã hoàn thành việc tích hợp, cung cấp DVCTT trên Cổng dịch vụ công quốc gia với 1.453/1.783 TTHC, đạt 81,5%, trong đó có 1.072/1.453 DVCTT toàn trình, đạt 73,8%; 381/1.453 DVCTT một phần, đạt 26,2% và Bình Phước xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Phong trình bày tổng quan về thực trạng cung ứng DVCTT của tỉnh cho người dân Thạc sĩ Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách UNDP, thông tin nhanh kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Bình Phước năm 2022 Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam, đánh giá nhanh về thực trạng thực hiện DVCTT của tỉnh Bình Phước tại hội thảoCũng tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe tham luận của các sở ngành, địa phương và trao đổi trực tiếp làm rõ thêm một số nội dung về: Kết quả Chỉ số PAPI năm 2022 của tỉnh; thực trạng cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân trên địa bàn tỉnh; thực trạng thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng cho công dân từ giai đoạn năm 2022 và 6 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh; thực trạng TTHC liên thông khai sinh, bảo hiểm y tế miễn phí và đăng ký thường trú cấp xã (3 trong 1) thời điểm hiện nay...
Đoàn công tác Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đánh giá cao tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, nghiêm túc của đoàn công tác Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và đại biểu tham dự hội thảo.
Từ các ý kiến, kiến nghị được nêu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đề nghị: Ngay sau hội thảo, các sở, ban, ngành cần tập trung thực hiện vào 4 vấn đề trọng tâm sau: Cần có sự công khai, minh bạch thông tin trên nhiều đầu mối để người dân có thể giám sát việc thực hiện DVCTT của chính quyền; có các kênh tương tác với chính quyền và người dân để có thể chia sẻ và giải đáp kịp thời những vướng mắc liên quan đến lĩnh vực này; đẩy mạnh dịch vụ công cả trực tuyến và trực tiếp để phục vụ người dân và doanh nghiệp; tăng cường truyền thông cho người dân, cả hệ thống chính trị để giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của DVCTT và chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành. Trong đó, đối với Văn phòng UBND tỉnh cần rà soát các văn bản một cách cụ thể để nâng cao chất lượng cải cách TTHC. Các địa phương chưa công bố kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của đơn vị thì phải khẩn trương công khai trước ngày 25/8. Các đơn vị viễn thông cần nghiên cứu xây dựng giao diện Cổng dịch vụ công hướng tới giao diện thân thiện với người dùng. Chính quyền các địa phương cần xem xét, tìm hiểu nhằm tạo thuận lợi cho người nhập cư trong việc tiếp cận DVCTT./.