Chiến lược với tầm nhìn: Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; cơ bản phản ánh đầy đủ mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội trên môi trường số và là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn. Dữ liệu góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.
Đối với phát triển hạ tầng dữ liệu, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 là 100% các trung tâm dữ liệu quốc gia; trung tâm dữ liệu vùng, khu vực; trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao trên cả nước được bảo đảm kết nối thành công, tạo thành một mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước.
Các nền tảng điện toán đám mây Chính phủ và các nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động "Make in Viet Nam" bảo đảm sẵn sàng đáp ứng 100% nhu cầu lưu trữ, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của Việt Nam, nhu cầu đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo mật thông tin theo cấp độ quy định của Luật An toàn thông tin mạng.
Về phát triển dữ liệu phục vụ Chính phủ số, Chiến lược đặt mục tiêu 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia trong danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử hoàn thành việc số hóa, cập nhật và đưa vào sử dụng hiệu quả; được kết nối, chia sẻ với kho dữ liệu tổng hợp tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia và kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc.
Các cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương (ngoại trừ các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ đặc thù) có nhu cầu kết nối, khai thác, tích hợp, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc nhu cầu kết nối, chia sẻ thông tin với nhau, được đáp ứng 100% yêu cầu thông qua các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.
Cùng với đó, 100% các cơ quan Nhà nước cấp bộ, cấp tỉnh mở và cung cấp dữ liệu mở đảm bảo chất lượng (không trùng lắp, dư thừa, không tốn công sức và chi phí để xử lý lại dữ liệu, hoặc thu thập lại dữ liệu), đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả, bảo đảm sẵn sàng hỗ trợ, phục vụ cho các hoạt động chỉ đạo điều hành, ban hành chính sách của cơ quan Nhà nước và phục vụ phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho phát triển kinh tế số, xã hội số.
100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; tối thiểu 80% dữ liệu về kết quả thực hiện các thủ tục hành chính được tái sử dụng, chia sẻ theo quy định (ngoại trừ các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ đặc thù) đảm bảo người dân và doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các thủ tục hành chính.
Đến năm 2030, tích hợp kết quả xử lý công việc của cán bộ, công chức, viên chức vào phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của từng đơn vị; tỷ lệ áp dụng dữ liệu trong phục vụ quản lý điều hành công việc trên môi trường số, trong kiểm tra, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức đạt tối thiểu 70%. Kết hợp khai thác sử dụng dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đối với 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện cung cấp trực tuyến, nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước và cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Về phát triển dữ liệu phục vụ kinh tế số, xã hội số, Chiến lược hướng tới xây dựng và hoàn thành 100% các bộ dữ liệu ngành nông nghiệp gồm: dữ liệu đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản cho các vùng sản xuất nông nghiệp trên cả nước phục vụ các hoạt động sản xuất nông nghiệp; hình thành dữ liệu của toàn bộ chuỗi quy trình sản xuất, kinh doanh, chế biến, quản lý giám sát nguồn gốc, cung ứng các sản phẩm nông nghiệp quan trọng, bảo đảm việc cung cấp thông tin minh bạch, chính xác, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
100% dữ liệu truy xuất nguồn gốc, xuất xứ được cung cấp kèm theo cho các sản phẩm OCOP (thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm "One commune one product") đăng bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Xây dựng và hoàn thành 100% các bộ dữ liệu ngành công nghiệp, thương mại và năng lượng bao gồm: dữ liệu về mạng lưới sản xuất, truyền tải, tiêu thụ điện trên cả nước phục vụ việc vận hành tối ưu hệ thống điện, hiện đại hóa hệ thống điều độ, vận hành, thông tin liên lạc, điều khiển và tự động hóa phục vụ điều độ lưới điện trong nước và liên kết khu vực; dữ liệu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, mạng lưới, chuỗi cung ứng sản xuất cơ bản trong các hoạt động công nghiệp từ nguyên liệu thô tới thành phẩm thương mại...
Hướng tới hoàn thiện 100% cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội cho người lao động; dữ liệu chuẩn hóa sổ lao động điện tử, tích hợp với dữ liệu về học tập suốt đời, dữ liệu về đào tạo nghề của người lao động được triển khai, hoàn thiện cho 100% người lao động đóng bảo hiểm xã hội; 100% các bộ dữ liệu mở về lực lượng, thị trường lao động việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động và yêu cầu trình độ, kỹ năng tương ứng được cung cấp và đảm bảo cập nhật chính xác, kịp thời, làm cơ sở triển khai các giải pháp dự báo nhu cầu, sự biến động về lao động, việc làm; 100% dữ liệu giám sát, quan trắc tự động việc xả thải của các khu công nghiệp, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường được đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối về trung tâm giám sát tập trung của ngành Hi88 C: Trang Chủ theo thời gian thực, phục vụ việc phân tích đưa ra các cảnh báo khi có nguy cơ về sự cố môi trường.
Ngoài ra, Chiến lược đưa ra một số mục tiêu khác là phát triển thị trường dữ liệu, hoàn thành thí điểm, thử nghiệm 05 sàn giao dịch dữ liệu tạo môi trường mua bán, trao đổi dữ liệu có sự giám sát đảm bảo an toàn, tuân thủ quy định của pháp luật; phát triển các dịch vụ dữ liệu (tổng hợp, phân tích, dán nhãn dữ liệu,...) để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn và người khuyết tật; xuất khẩu tri thức của lao động Việt Nam ra nước ngoài dựa trên các công việc mới với dữ liệu.
Chiến lược hướng tới 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành và cơ sở dữ liệu quan trọng của các bộ, ngành, địa phương được triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ và mô hình bảo vệ 04 lớp, đồng thời triển khai các hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật về an ninh mạng./.
Tác giả: Trần Thị Mai Phương
Nguồn tin: UBND tỉnh
Ý kiến bạn đọc