Luật Đất đai là một trong những luật rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Việc sửa đổi Luật có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Do đó, xây dựng Luật Đất đai thành công cũng được ví như làm cách mạng thành công.
Hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất
Sau hơn 30 năm đi vào cuộc sống với 5 lần sửa đổi, gần nhất là năm 2013, Luật Đất đai đã thể hiện rõ vai trò trong tiến trình phát triển của đất nước, là bước ngoặt quan trọng giúp khơi thông nguồn lực đất đai; đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và ổn định xã hội.
Thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng…
Sửa đổi Luật Đất đai nhằm tháo gỡ những vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Trong 5 nguyên nhân của 7 tồn tại, hạn chế về quản lý, sử dụng đất đai Chính phủ nêu ra, chỉ có 1 nguyên nhân khách quan là do quan hệ quản lý đất đai có tính lịch sử, phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ điều chỉnh nên có những vấn đề khó khăn kéo dài; 4 nguyên nhân còn lại đều là nguyên nhân chủ quan, do quy định của Luật thiếu cụ thể, không sát thực tế, không bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định của pháp luật có liên quan và việc tổ chức thực hiện Luật còn nhiều hạn chế.
Mặt khác, kết quả thanh tra về thi hành Luật Đất đai trong giai đoạn 2013 - 2020 cho thấy, đã xảy ra hàng nghìn vụ vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, hàng chục nghìn ha đất bị cấp, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng trái thẩm quyền và nhiều hành vi sai phạm khác. Hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt là hành vi tham nhũng, hối lộ của một bộ phận người có chức, có quyền trong quản lý, sử dụng đất đai đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến lòng tin của nhân dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã có những tiến bộ nhất định nhưng vẫn còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền…
Chính vì thế, Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đặt ra mục tiêu: Hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.
Huy động tối đa trí tuệ của nhân dân và sự vào cuộc của hệ thống chính trị
Triển khai nhiệm vụ sửa đổi Luật, Bộ TN&MT (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật) đã nỗ lực thực hiện tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013, tổ chức lấy ý kiến các địa phương, tổ chức, cá nhân để xây dựng Dự thảo Luật. Sau khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ đã ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới…
Tháng 8/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và sau đó sẽ tiếp tục được đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến Hội nghị chuyên trách nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. |
Chỉ trong vòng 2 tháng rưỡi, từ 3/1/2023 đến 15/3/2023, Bộ TN&MT đã nhận được hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhân dân với đạo luật hết sức quan trọng này. Sau đợt lấy ý kiến rộng rãi đối với nhân dân trong và ngoài nước với nhiều phương thức trực tiếp và trực tuyến, cử tri một lần nữa được góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai trên diễn đàn Quốc hội. Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã dành nhiều thời gian cho Dự thảo này. Ngày 9/6, 19 tổ với gần 190 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tổng hợp góp ý vào Dự thảo Luật và ngày 21/6, Dự thảo Luật được đưa ra bàn thảo góp ý tại Hội trường với 56 đại biểu phát biểu, 6 đại biểu tranh luận, cùng 106 văn bản ý kiến góp ý cho thấy sức nóng và sự quan tâm của đại biểu với đạo luật quan trọng này.
Sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 5 đến nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra Dự án Luật) cùng Bộ TN&MT đã tập trung giải trình, tiếp thu hoàn thiện Dự thảo Luật và đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, địa phương để lấy ý kiến về những nội dung còn ý kiến khác nhau.
Tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế và các cơ quan hữu quan về công tác tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và một số nội dung lớn của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào ngày 2/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý trên cơ sở tổng hợp đầy đủ và tiếp thu nghiêm túc, chắt lọc ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua cũng như các ý kiến của các cơ quan Quốc hội và cơ quan tổ chức hữu quan. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Ủy ban Kinh tế đã tích cực chủ động phối hợp với Bộ TN&MT và cơ quan, tổ chức hữu quan liên tục tổ chức thêm các hội thảo để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đến thời điểm này, chất lượng dự án Luật được nâng lên một cách cơ bản, bảo đảm chất lượng khá tốt và đi đúng hướng, có đủ điều kiện để tiến hành các quy trình tiếp theo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị bám sát và quán triệt thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 18-NQ/TW, không quy định nội dung không đúng với Nghị quyết, rà soát đầy đủ những nội dung thể chế chưa đầy đủ; chỉ xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án thể chế hóa nội dung của Nghị quyết. Đồng thời bám sát quan điểm, nguyên tắc trong Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu quy trình xây dựng Luật đến nay. Bảo đảm phải đồng bộ với các dự án luật khác. Chủ tịch Quốc hội lưu ý không dùng luật này để thay cho các luật khác, không được dùng luật này để làm thay chức năng nhiệm vụ của các luật khác…
Như vậy có thể khẳng định, Dự thảo Luật đến nay đã trải qua quá trình xây dựng hết sức công phu, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tâm huyết, trí tuệ của nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng, tháo gỡ những vướng mắc nhằm xây dựng Luật thành công, tháo gỡ những vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Nguồn tin: Bộ TN&MT
Ý kiến bạn đọc