Hi88 C: Trang Chủ

Học tập tấm gương làm việc trách nhiệm, khoa học, đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ nhật - 01/03/2020 13:07 800 0
Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, nhưng tấm gương, di sản mà Người để lại cho hậu thế vẫn trường tồn với thời gian. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước đổi mới và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu…, thì việc học tập và làm theo Bác nói chung, học tập và làm theo tấm gương làm việc trách nhiệm, khoa học, đổi mới của Bác nói riêng lại càng đặt ra bức thiết.

Trong công việc, mỗi người đều giữ một vị trí, vai trò nhất định ở cơ quan, đơn vị, tổ chức mà mình tham gia và là thành viên; do vậy, phải có trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức đó. Trách nhiệm chính là phần việc được giao, là điều phải làm, phải gánh vác hoặc nhận lấy về mình theo cương vị, chức trách. Nó được hình thành trên cơ sở những quy định của luật pháp, quy định, quy chế, thỏa thuận, điều lệ của tổ chức, đơn vị mà mình là thành viên.

Bên cạnh trách nhiệm với cơ quan, tổ chức, mỗi người đều là công dân của một quốc gia, dân tộc; do vậy, phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp, xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Đối với người cán bộ, đảng viên, yêu cầu, đòi hỏi về tinh thần trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ còn cao hơn nhiều. Cùng với trách nhiệm, nghĩa vụ với tư cách là công dân, người cán bộ, đảng viên còn phải tiên phong, gương mẫu đi đầu về tinh thần, thái độ, trách nhiệm với công việc, trong rèn luyện và thực hành đạo đức, lối sống, nêu gương, cũng như tuân thủ nghiêm Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm,…

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta - là một mẫu mực về tinh thần làm việc trách nhiệm, hết lòng, hết sức cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Người định nghĩa về tinh thần trách nhiệm bằng những từ ngữ rất giản dị, dễ hiểu: “Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ(1), là “khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v., là không có tinh thần trách nhiệm”(2). Người yêu cầu, nhắc nhở, bất kỳ ai, dù ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm; “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”(3).

Nhận thức sâu sắc trách nhiệm, bổn phận của mình trước dân tộc, nhân dân và trước Đảng, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy cam go, thử thách, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đã tự mình đi khắp năm châu, bốn biển khảo sát, nghiên cứu, lao động, học tập để tìm đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Mục đích của Người là tranh đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và vì hạnh phúc của nhân dân. Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Và cũng chính bởi mục đích, ham muốn tột bậc này, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, có lúc bị hiểu lầm hoặc phải “ẩn nấp nơi núi non, ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo”.

Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, từ thực tiễn đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, dự báo được chiều hướng phát triển của tình hình, Người rất chú ý đến việc giáo dục ý thức, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong nhiều bài viết gửi các cấp chính quyền, Người yêu cầu xây dựng các cơ quan từ Chính phủ cho đến các làng, xã phải là “công bộc” của dân, Chính phủ phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh; phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, phải chú ý giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân; đồng thời, nghiêm khắc phê phán, lên án những căn bệnh, như cậy thế, tư túng, óc bè phái, kiêu ngạo,… đang ngự trị trong đầu óc của không ít cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ.

Khát vọng cháy bỏng về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc đã thôi thúc, trở thành động lực để Chủ tịch Hồ Chí Minh dấn thân, hành động, làm việc một cách tự giác, tự nhiên, không vì danh lợi, thành tích hay sự ca ngợi nào. Được cống hiến, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân đối với Người là nguồn vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến. Tinh thần trách nhiệm đó xuất phát từ lòng yêu nước sâu sắc, tâm trong sáng, tình thương yêu con người vô hạn. Trong Di chúc, Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(4).

Trong công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng lên trên hết, gương mẫu trong mọi việc. Phương châm xử lý, giải quyết công việc của Người là “chí công vô tư”, “dĩ công vi thượng”, không để cảm xúc, tình cảm cá nhân xen vào công việc. Muốn thực hiện được được điều này, theo Người, phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân của mọi thói hư tật xấu, làm cho con người không giữ được mình, không vì lợi ích chung để giải quyết công việc, kém tinh thần trách nhiệm, chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân, của gia đình, phe nhóm mình. Chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch hung ác của đạo đức cách mạng. Muốn đánh thắng chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, trước hết phải chiến đấu và chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi con người là chủ nghĩa cá nhân.

Tấm gương, tinh thần làm việc trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc thống nhất giữa lời nói và việc làm. Đó là nói gắn liền với làm, không nói nhiều làm ít, nói mà không làm, làm không như nói. Đây là một đặc điểm nổi bật trong phẩm chất con người Hồ Chí Minh. Quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên nhìn thấy ở Người phẩm chất, phong cách của một lãnh tụ hành động, một tấm gương có sức cảm hóa, thuyết phục đối với tất cả mọi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm đúng như những gì Người nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và chính Người đã trở thành một tấm gương sống mẫu mực, sáng ngời về đạo đức, nhân cách, tài năng, kết tinh những giá trị, phẩm chất tốt đẹp nhất, tiêu biểu cho phẩm giá, lương tâm, trí tuệ của con người Việt Nam.

Tấm gương làm việc khoa học, đổi mới

Cùng với việc nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân và đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn làm việc hết sức khoa học, luôn tìm tòi, đổi mới để đạt hiệu quả và chất lượng cao nhất. Điều này được thể hiện ở những điểm sau:

Làm việc gì cũng luôn đi sâu đi sát, nghiên cứu, điều tra, khảo sát kỹ lưỡng

Trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định, giải pháp nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn chắc chắn, có độ tin cậy cao. Người không quyết định theo cảm tính, chủ quan, mà nghe nhiều bên, có phân tích, xem xét, đánh giá một cách khách quan rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng. Người nói: “So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học(5). Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi “gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”(6). Cách làm khoa học này là cơ sở cho việc lãnh đạo đúng, trúng, sát hợp thực tế, tình hình.

Trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, bên cạnh việc tham vấn bộ máy, đội ngũ trợ lý, giúp việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp đi nghiên cứu, khảo sát, tiếp xúc với cơ sở, địa phương để tìm hiểu thực tế, nắm bắt tình hình, thu thập thông tin cụ thể. Người chỉ rõ, muốn lãnh đạo đúng, trước hết phải quyết định mọi vấn đề cho đúng. Muốn quyết định cho đúng, trước tiên phải điều tra, nghiên cứu rõ ràng. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên khi xử lý và giải quyết công việc cần phải tôn trọng hiện thực khách quan, không “tô hồng”, bóp méo sự thật, phải có tầm nhìn xa rộng, tránh rơi vào những việc sự vụ, thiển cận. Theo Người, khi ra quyết định công tác, xác định cách tổ chức, cách làm việc thì phải luôn căn cứ vào tình hình thực tế, xem xét mọi mặt. Người phê phán gay gắt những cán bộ mắc bệnh quan liêu, hình thức, ngồi bàn giấy chỉ nghe người ta báo cáo rồi ra quyết định, mà không nắm rõ tình hình thực tế,…

Làm việc có chương trình, kế hoạch

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc theo chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, chi tiết hằng năm, quý, tháng, tuần, từ dài hạn, trung hạn, đến ngắn hạn. Theo Người, chương trình, kế hoạch làm việc cần khoa học, cụ thể, chi tiết, không nên tham lam, thiết thực, vừa sức, “chớ làm kế hoạch đẹp mặt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được”(7).

Người yêu cầu, cần đặt kế hoạch cho sát hợp. Kế hoạch đặt ra để mình và mọi người thực hiện chứ không phải để chiêm ngưỡng, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Người chỉ ra khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, nhất là của người lãnh đạo là: “Chương trình công tác thì quá rộng rãi mà kém thiết thực. Đặt ra kế hoạch và chương trình không xét rõ năng lực của những người thi hành kế hoạch và chương trình đó. Thành thử việc gì cũng muốn làm mà việc gì làm cũng không triệt để”(8). Cùng với đó, cán bộ, đảng viên thường mắc phải khuyết điểm là đầu tư nhiều công sức vào việc vạch ra chương trình, kế hoạch, nhưng lại ít tìm cách để thực hiện cho được kế hoạch, chương trình đã đề ra. Hơn nữa, chương trình, kế hoạch này thực hiện chưa xong, chưa biết kết quả thực hiện ra sao đã nghĩ đến chương trình, kế hoạch khác; hoặc xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc, nhưng cách sắp đặt công việc không khéo, ôm đồm làm nhiều việc cùng một lúc, hoặc làm không đúng, lại thiếu những biện pháp thích hợp, thiếu quyết tâm, nên chương trình, kế hoạch đặt ra đều không thực hiện được. Do vậy, Người nhắc nhở: “Kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần, và quyết tâm phải ba phần, có như thế mới có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch”(9).

Làm việc gắn với kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm

Thực hiện quan điểm của V.I.Lê-nin: Lãnh đạo không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và của Nhà nước. Mục đích của kiểm tra là để xem các cấp thực hiện có đúng đường lối, chính sách không, để nắm được chất lượng, tiến độ công việc, tuân thủ quy trình, các bước tiến hành triển khai công việc,… Người chỉ ra một thực trạng: “Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”(10).

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất quan tâm đến việc tổng kết, rút kinh nghiệm. Theo Người, mỗi khi làm xong một việc gì, dù thành công hay thất bại, đều cần tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm những việc làm được, hoặc còn chưa làm được, phát hiện những khó khăn, vướng mắc làm cơ sở cho việc bổ sung, phát triển lý luận, đề ra chủ trương, biện pháp một cách sát hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn. Trong thực tế quá trình lãnh đạo, Người thường xuyên kiểm tra, kiểm soát từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên để có cái nhìn đúng đắn, khách quan về hoạt động của cán bộ, đảng viên, cũng như của các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Làm việc phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng điểm và nắm điển hình

Người yêu cầu người cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ; phải lãnh đạo toàn diện và cụ thể, phải cẩn thận mà nhanh nhẹn, kịp thời, làm đến nơi đến chốn. Hồ Chí Minh phê phán căn bệnh “hữu danh vô thực” ở không ít cán bộ, đảng viên: “Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít, suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch… Thế là không làm tròn nhiệm vụ của mình. Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm”(11).

Luôn đổi mới, sáng tạo trong công việc

Người luôn suy nghĩ, tìm tòi, đổi mới trong công việc, không cứng nhắc, bảo thủ, đóng khung, cố chấp, mà rất linh hoạt, mềm dẻo khi xử lý, giải quyết từng vấn đề, sự việc cụ thể. Một ví dụ để minh chứng cho nhận định trên: Khi dự thảo công văn cho Bác, anh em giúp việc thường dựa vào các văn bản cũ đã được Người duyệt để làm theo. Không ngờ, có lần Người lại sửa khác đi. Anh em giúp việc có ý thanh minh: Thưa Bác, cháu thấy trong văn bản trước Bác đã thông qua một câu như vậy rồi ạ. Người nói, lần trước Bác chưa nghĩ ra, lần này Bác thấy phải sửa tiếp cho tốt hơn(12). Có thể thấy, phong cách làm việc của Người là luôn đổi mới, sáng tạo, không cứng nhắc, không chấp nhận tư duy lối mòn, kinh nghiệm chủ quan, mà hướng tới sự mới mẻ, hiệu quả để ngày càng đạt kết quả tốt hơn.

Học tập tấm gương làm việc trách nhiệm, khoa học, đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một là, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm với công việc. Học và làm theo Bác không phải là bằng những điều cao siêu, to lớn, mà cần bắt đầu từ những lời nói, việc làm, bằng thái độ, cách ứng xử trong xử lý và giải quyết công việc hằng ngày. Đó là sự tự ý thức về trách nhiệm của mình trong công việc chung, là việc cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ ở cương vị công tác. Mỗi người cần thấm nhuần, khắc sâu lời Bác dạy: Cán bộ, đảng viên “là người đày tớ trung thành và tận tụy của nhân dân”; “phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý”; “làm công bộc cho dân là một việc làm cao thượng”.

Học tập ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của Bác cần xuất phát từ tinh thần tự giác, sự thôi thúc của con tim, từ danh dự và lương tâm của chính bản thân mỗi người. Làm việc với một niềm hăng say, phấn khởi, tin tưởng, hạnh phúc, với mong muốn được cống hiến, đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức mà mình là thành viên, rộng hơn là của xã hội, đất nước, chứ không phải vì danh lợi, chạy theo thành tích. Cần nhận thức rõ rằng, trở thành một cán bộ, công chức, một đảng viên là niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ to lớn. Vinh dự, trách nhiệm đó đòi hỏi mỗi người cần cố gắng, phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, năng lực chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức phân công, giao phó. 

Học tập tinh thần trách nhiệm của Bác còn là việc phải luôn đau đáu, trăn trở với những tâm tư, suy nghĩ, mong mỏi của người dân và xã hội, muốn đóng góp sức lực nhỏ bé của mình vào việc xây dựng một xã hội tiến bộ, tốt đẹp hơn; nói đi đôi với làm, lý luận liên hệ với thực tiễn; biết thông cảm, thấu cảm, biết đau trước những khó khăn, mất mát của người dân; biết vui mừng, sẻ chia trước hạnh phúc, niềm vui của nhân dân. Thấu hiểu và cảm thông với nhân dân, xuất phát từ lợi ích của nhân dân sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên luôn tìm tòi, suy nghĩ để giải quyết công việc vừa ích nước, vừa lợi dân.

Hai là, trong xử lý và giải quyết công việc cần khắc ghi sâu sắc nguyên tắc lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng, bất khả xâm phạm, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Người cán bộ, đảng viên trước bất cứ công việc gì, dù ở cương vị, hoàn cảnh nào cũng phải luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng lên trước. Lợi ích của cá nhân, của bộ phận, của giai cấp phải phục tùng và không được làm tổn hại đến lợi ích dân tộc; đồng thời, linh hoạt, mềm dẻo, “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong thực hiện nguyên tắc này. Vì vậy, trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết một cách đúng đắn, sáng tạo yêu cầu, đòi hỏi, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam; đoàn kết, tập hợp được sức mạnh của cả dân tộc làm nên thắng lợi vĩ đại trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Để luôn đứng vững trên lập trường dân tộc, lấy quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân làm tối thượng, cần chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, tư tưởng cục bộ, óc bè phái, kéo bè kéo cánh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ ra. Chủ nghĩa cá nhân “là một thứ vi trùng rất độc, một thứ rất gian giảo, xảo quyệt”. Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại khó khăn, gian khổ, tham danh, trục lợi, thích địa vị, quyền hành, xa rời quần chúng, mất đoàn kết, kém tinh thần trách nhiệm,… Nó là nguyên nhân của mọi thói hư tật xấu, của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Do vậy, phải “kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân” - kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta.

Ba là, học tập và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ. Trong một xã hội vận động và biến đổi nhanh chóng, đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới đã và đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất cao về năng lực, chuyên môn, phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị đối với mỗi người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Do vậy, để tránh tụt hậu, đáp ứng được yêu cầu của công việc, tiến tới có đủ năng lực làm việc được trong môi trường quốc tế, không có cách nào khác, mỗi người cần có tinh thần cầu thị, không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập, rèn luyện để tự hoàn thiện bản thân, ngày càng tiến bộ.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải coi việc tự học tập, rèn luyện là nhiệm vụ tự thân, là chế độ, quy định bắt buộc. Học tập là con đường duy nhất để tiến bộ và phát triển. Học tập phải được coi là nghĩa vụ, là khát vọng, niềm say mê, nguồn vui để làm việc và làm người cán bộ, đảng viên tốt. Không học tập và rèn luyện sẽ bị tụt hậu, đào thải, không đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn. Do vậy, cần xác định học tập là công việc suốt đời, “còn sống là còn phải học”. Có nhiều cách học: học ở trường lớp, học đồng nghiệp, học trong sách vở, tự học. Nói tóm lại, phải thấm nhuần lời dạy của V.I.Lê-nin được Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Học, học nữa, học mãi”!./.

Tác giả: A Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập73
  • Hôm nay4,895
  • Tháng hiện tại112,525
  • Tổng lượt truy cập6,557,972
Quan trắc nước
cong bo lay nuoc sinh hoat
Đấu giá quyền sử dụng đất
Quan trắc không khí
dich
Bo TNMT
Mail bp
portal
bao bp
vi pham đât
thôn gtin tuyen truyen
lay y kien nhan dan
Cổng thông tin điện tử tổng hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bình Phước
Quy bvmt
quan trac
Ngày Chuyển đổi số tỉnh Bình Phước và Tháng tiêu dùng số năm 2023
vpdk
Quy Hoạch- Kế Hoạch Sử Dụng Đất
hotline
CTNN1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây