1. Môi trường không khí
Theo kết quả quan trắc định kỳ năm 2022 và 2023 cho thấy, chất lượng môi trường không khí tại các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá tốt, các giá trị đo được của các thông số quan trắc như: bụi, SO2, NO2, CO, NH3, H2S đều thấp hơn so với mức giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí. Đối với thông số tiếng ồn: hầu hết độ ồn đo được tại các điểm quan trắc trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều thấp hơn mức giới hạn cho phép của QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn (khu vực thông thường: 70 dBA). Tuy nhiên, tại các khu vực tập trung đông dân cư, xe cộ qua lại nhiều như: Siêu thị Coopmart Đồng Xoài, đường Phú Riềng Đỏ; Ngã tư Đồng Xoài; QL14, cầu 2, xã Đồng Tiến; Ngã tư Chơn Thành, thị xã Chơn Thành; Trung tâm thương mại Phước Bình, thị xã Phước Long có độ ồn đo được cao, xấp xỉ bằng và một số điểm vượt mức giới hạn cho phép của QCVN 26:2010/BTNMT. Năm 2023, có 5/71 điểm quan trắc có giá trị độ ồn vượt mức giới hạn của QCVN 26:2010/BTNMT, giảm 03 điểm so với năm 2022 (08/71 điểm quan trắc) và việc độ ồn đo được cao hơn so với quy chuẩn chỉ xảy ra cục bộ, diễn ra vào giờ cao điểm, không thường xuyên.
Tỉnh Bình Phước cũng đã lắp đặt và vận hành 03 trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục tại thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú để giám sát, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường không khí xung quanh của tỉnh. Nhìn chung, xu hướng biến động giá trị của bụi PM10 và PM2.5 có sự phân hóa theo mùa trong năm. Vào thời gian mùa khô, ít mưa (kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau) giá trị nồng độ bụi PM2.5 và PM10 đo được tại 03 trạm quan trắc khá cao nhưng đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT, vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11) giá trị bụi PM2.5 và PM10 đo được giảm dần so với mùa khô. Đối với các thông số khác trong không khí như: NO2, SO2, O3, CO hầu hết đều có giá trị thấp so với mức giới hạn của QCVN 05:2013/BTNMT. Về chỉ số chất lượng không khí (AQI) năm 2022 và 2023 của tỉnh vẫn duy trì ở mức khá tốt, số ngày có chỉ số AQI Tốt và Trung bình chiếm trên 90% tổng số ngày trong năm; số ngày có chỉ số AQI Kém chỉ chiếm khoảng 10%. Nguyên nhân là do ảnh hưởng cục bộ từ các hoạt động sản xuất, lưu thông của người dân trong khu vực đặt trạm quan trắc; sự phân hóa thời tiết theo mùa trong năm, vào thời điểm ít mưa nhất của mùa khô (từ tháng 2 – 3) thông số O3 có số liệu đo được khá cao, gần bằng mức giới hạn quy chuẩn cho phép, điều này khiến chỉ số AQI của các ngày này đạt mức Kém. Do đó, cần tăng cường thực hiện biện pháp như: trồng cây xanh có tán, tưới rửa đường thường xuyên, tạo các tuyến đường tránh để hạn chế xe khách, xe tải trọng lớn đi qua khu dân cư... để giảm thiểu ảnh hưởng đến chất lượng không khí của tỉnh, đảm bảo môi trường sống của người dân.
* Ghi chú: AQI nằm trong khoảng từ 0 – 50: chất lượng không khí Tốt; từ 51 đến 100: chất lượng không khí Trung bình; từ 101 đến 200: chất lượng không khí Kém; từ 201 đến 300: chất lượng không khí Xấu.
2. Môi trường nước
a) Chất lượng nguồn nước mặt
So sánh với kết quả quan trắc của những năm gần đây cho thấy, chất lượng nước tại các lưu vực sông Bé, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Chiu Riu, sông Măng của tỉnh đang dần tốt lên. Trong năm 2023, có 39/81 điểm quan trắc có chỉ số chất lượng nước mặt đạt Rất tốt, tăng 06 điểm so với năm 2022 (33/81 điểm quan trắc); 26/81 điểm quan trắc có chỉ số chất lượng nước mặt đạt Tốt, giảm 04 điểm so với năm 2022 (30/81 điểm quan trắc); 13/81 điểm quan trắc có chỉ số chất lượng nước mặt đạt Trung bình, giảm 02 điểm so với năm 2022 (15/81 điểm quan trắc); 03/81 điểm quan trắc có chỉ số chất lượng nước mặt Kém, bằng với năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu là do một số suối là nguồn tiếp nhận nước thải từ các Khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất công nghiệp (cụ thể: Suối Tiên và Suối Bưng Rục, thị xã Chơn Thành; Suối Bàu Chu, huyện Đồng Phú...); một số suối đi qua các trung tâm thị trấn, thị xã, thành phố (gồm: suối Đồng Tiền, cầu Tham Rớt, Suối chợ...), sự thiếu ý thức của một số người dân thường xuyên vứt rác thải, xả nước thải sinh hoạt xuống suối; đồng thời, vào mùa khô lưu lượng nước chảy qua các suối này tương đối thấp, dẫn đến khả năng tự làm sạch kém khiến giá trị các thông số ô nhiễm hữu cơ (COD, BOD5, TSS), dinh dưỡng (NH4+, PO43-) và vi sinh (Coliform) vượt mức giới hạn cho phép của QCVN 08:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
* Ghi chú: WQI đạt từ 91 – 100: chất lượng nước Rất tốt, sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt; từ 76 – 90: chất lượng nước Tốt, sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần biện pháp xử lý phù hợp; từ 51 – 75: chất lượng nước Trung bình, sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác; từ 26 – 50: chất lượng nước Xấu/Kém, sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.
b) Chất lượng nguồn nước dưới đất:
Theo kết quả đo đạc và phân tích mẫu chất lượng môi trường nước dưới đất định kỳ tại 106 điểm quan trắc năm 2022 – 2023 cho thấy hiện trạng chất lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước khá tốt. Kết quả phân tích đối với các thông số có trong mẫu nước dưới đất như: Chất rắn hòa tan (TDS), Độ Cứng, Amoni (N-NH4+), Chỉ số Pemanganat, Clorua, Tổng Coliform, các kim loại nặng (Fe, As) đều có giá trị thấp và nằm trong mức giới hạn cho phép của QCVN 09:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng đặc tính thổ nhưỡng của đất nên kết quả phân tích của các thông số: pH, Nitrat, Nitrit, Chì, Độ đục trong mẫu nước dưới đất tại một số khu vực như: phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài; xã Nha Bích, phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành; xã Thanh Lương, thị xã Bình Long; xã Thuận Lợi, Thuận Phú, huyện Đồng Phú; xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh... cao hơn mức giới hạn cho phép của QCVN 09:2023/BTNMT, QCVN 01-1:2018/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt từ 1 - 5 lần. Do đó, người dân cần có biện pháp xử lý (như: xây dựng bể lọc phèn, dùng các thiết bị, máy lọc nước...) trước khi sử dụng nguồn nước dưới đất vào mục đích sinh hoạt.
3. Môi trường đất
Nhìn chung, chất lượng môi trường đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước còn khá tốt. Kết quả phân tích các thông số quan trắc: Kim loại nặng (As, Cd, Pb, Zn, Cu, Cr); Dư lượng thuốc bảo về thực vật gốc Photpho (O,O,O-Triethyl-Phosphorothioate, Thionazin, Sulfotep, Phorate, Disulfoton, Parathion-methyl, Parathion, Famphur); Dư lượng thuốc bảo về thực vật gốc clo (α-BHC, β-BHC, g-BHC, d-BHC, Heptachlor, Aldrin, Heptachlor epoxide, Chlordane-trans, Endosulfan I, Chlordane-cis, 4.4'-DDE, Dieldrin, Endrin, Endosulfan II, 4.4'-DDD, Endosulfan sulfate và 4.4'-DDT) tại 88 điểm thuộc mạng lưới quan trắc môi trường đất của tỉnh Bình Phước năm 2022 và 2023 (gồm: đất thương mại, dịch vụ 22 điểm; đất lâm nghiệp 09 điểm; đất công nghiệp 12 điểm; đất nông nghiệp 24 điểm và đất dân sinh 21 điểm) đều có hàm lượng thấp và nằm trong mức giới hạn cho phép của QCVN 03:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất.