“Ý nghĩa của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc đối với tỉnh Bình Phước”
1.Đoàn kết có thể hiểu một cách đơn giản là sự tập hợp, kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung nào đó.
Đoàn kết là tình trạng mọi người hoặc nhóm người cùng chung sức lực, tinh thần và ý chí để đạt được một mục tiêu chung. Nó bao gồm sự đồng tình, sự hợp tác và sự tôn trọng lẫn nhau để tạo ra một sức mạnh lớn hơn, đem lại hiệu quả cao hơn và giải quyết các vấn đề khó khăn một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
2.Quan điểm của Chủ tịch HCM về đại đoàn kết dân tộc
Trải qua quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, tư tưởng đại đoàn kết của Bác luôn là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc vượt qua bao khó khăn, gian khổ đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Gần 60 năm hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ từ lúc rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước đến lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng tư tưởng đại đoàn kết và coi đó là một sức mạnh vô địch. Bác không chỉ đặt yếu tố này trong các vấn đề lớn ở tầm chiến lược và phương pháp cách mạng của đất nước mà còn vận dụng ngay cả trong thực tiễn hoạt động của mình. Từ các bài viết, cuộc nói chuyện hay cả những công việc tưởng như của cá nhân, Bác vẫn luôn vận dụng một cách sáng tạo, tinh tế để mọi người thấy được tầm quan trọng của đại đoàn kết. Trong tư duy lý luận của Hồ Chí Minh, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc được hình thành và phát triển trên một nền tảng lý luận khoa học và thực tiễn phong phú sâu sắc, được thể hiện tập trung ở các quan điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng Việt Nam. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng nhằm hình thành và phát triển sức mạnh to lớn của toàn dân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc, của nhân dân. Theo Người, đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”, Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”…
Thứ hai, đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, của dân tộc. Người khẳng định: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong tám chữ là: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”. Nhiệm vụ của tuyên huấn trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến là làm cho đồng bào các dân tộc hiểu được: “Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến để đòi độc lập”; “còn trong cách mạng xã hội chủ nghĩa: “Một là đoàn kết. Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà”. Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu của Đảng mà còn là nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. Bởi vì cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phải do quần chúng, vì quần chúng. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn, lãnh đạo quần chúng, chuyển những nhu cầu, đòi hỏi khách quan, tự phát của quần chúng thành những đòi hỏi tự giác, thành hiện thực có tổ chức trong khối đại đoàn kết dân tộc; tạo thành sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh vì độc lập của dân tộc, tự do cho nhân dân và hạnh phúc cho con người. Nói cách khác chiến lược đại đoàn kết dân tộc Hồ Chí Minh chính là sự hợp điểm giữa ý Đảng và lòng dân.
Thứ ba, đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân. “Dân” và “Nhân dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minhvừa được hiểu với tư cách mỗi con người Việt Nam cụ thể, vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân, với những mối liên hệ cả quá khứ và hiện tại, họ đều là chủ thể của khối đại đoàn kết dân tộc. Nói đến đại đoàn kết dân tộc cũng có nghĩa là phải tập hợp mọi người dân vào trong một khối trong cuộc đấu tranh chung. Người đã nhiều lần nói rõ: “Ai có tài, có sức, có đức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Như vậy, biên độ của khối đại đoàn kết dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh được mở rộng một cách tối đa, vô cùng rộng rãi, vô cùng to lớn.
Thứ tư, trên cơ sở nhận thức đại đoàn kết là để tạo nên lực lượng cách mạng, để làm cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: đại đoàn kết phải biến thành sức mạnh vật chất, thành lực lượng vật chất của tổ chức và tổ chức đó là Mặt trận dân tộc thống nhất. Tùy vào những điều kiện cách mạng cụ thể của từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử khác nhau, Mặt trận đã tồn tại với những tên gọi khác nhau, ở những quy mô khác nhau, song về thực chất các tổ chức đó chỉ là một. Đó là tổ chức chính trị rộng rãi, tập hợp đông đảo các giai cấp, các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái… phấn đấu vì mục tiêu chung là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Thứ năm, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh luôn được xây dựng, hoàn thiện và tuân theo những nguyên tắc nhất quán đó là: phải bảo đảm lợi ích tối đa của dân tộc, lợi ích của nhân dân lao động và quyền của con người; phải tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân… Chính nhờ những nguyên tắc này mà tư tưởng của Người luôn có giá trị trong hôm nay và mãi về sau.
3. Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc đối với tỉnh Bình Phước.
Tỉnh Bình Phước được biết đến là vùng đất có 41 dân tộc anh em chung sống hòa thuận từ lâu đời, cùng chung sức khai phá, xây dựng và bảo vệ vùng đất truyền thống lịch sử. Trải qua những biến thiên của lịch sử, đã hình thành nên con người Bình Phước hiền hòa, thân thiện, giản dị, nhân nghĩa, bộc trực, mộc mạc, chân thành; luôn yêu thương, khiêm tốn học hỏi, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trong sinh hoạt cũng như trong lao động, sản xuất và trong chiến đấu.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bình Phước, kế thừa và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm hoạt động của các hình thức tổ chức liên minh mặt trận trong kháng chiến, Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã xây dựng khối đại đoàn kết trở thành ngọn cờ đầu tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các chức sắc, tôn giáo… chung sức, chung lòng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng quê hương khỏi ách thống trị của ngoại xâm và chính quyền tay sai, đóng góp xứng đáng vào hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân của cả nước. Từ ngày giải phóng, nhất là qua 26 năm tái lập tỉnh, bằng tinh thần đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc anh em, tự lực, tự cường của Đảng bộ và nhân dân Bình Phước có bước phát triển mạnh mẽ, bền vững trên nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, con người…, đang thực sự bước vào một giai đoạn hội nhập và phát triển. Chính vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc là nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước nhanh chóng và bền vững. - Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; tạo động lực cho tỉnh Bình Phước vượt qua mọi khó khăn, thử thách đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra. Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhận thức được tầm quan trọng đó, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp bộ, ngành Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã chủ động, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát; các ngành, các cấp, các địa phương tích cực phối hợp triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, ý thức nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nói chung, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI nói riêng. - Phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phồn vinh, hạnh phúc là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Bình Phước ngang tầm với các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ và cả nước.
4. CÂU CHUYỆN CHIẾC ĐỒNG HỒ VÀ BÀI HỌC VỀ SỰ ĐOÀN KẾT
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều câu chuyện xuất phát từ những đồ dùng thông hàng ngày chứa đựng những giá trị và có ý nghĩa sâu sắc. Và câu chuyện của Bác về “Chiếc đồng hồ” chính là một biểu hiện của những giá trị ấy.
Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Tại hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử. Lúc đó, Bác lên diễn đàn, giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ. Ai ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác.
Đến câu hỏi: Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?
Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:
- Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?
Mọi người đồng thanh đáp thưa Bác không ạ.
Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và nói:
- Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, đều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ...cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì có còn là cái đồng hồ được không?
Người căn dặn: Đối với chi bộ, đảng bộ hay tất cả các cơ quan, đơn vị cũng vậy, mỗi phòng, ban là một bộ phận không thể thiếu. Tất cả đều có một nhiệm vụ riêng, dù việc lớn việc nhỏ nhưng đó đều là một phần quan trọng trong một tập thể, mỗi nhiệm vụ như một mắc xích nối lại với nhau để tạo thành một khối vững chắc, thì mỗi chúng ta phải thật sự đoàn kết, nổ lực, cố gắng phát huy khả năng của mình, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Việc so bì, tính toán thiệt hơn về quyền lợi, trách nhiệm hay ngại việc nặng tìm việc nhẹ thì sẽ dẫn đến mất đoàn kết, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung.Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã làm cho nhiều cán bộ dự hội nghị trong hội trường đánh tan suy nghĩ cá nhân của mình.
Câu chuyện tuy ngắn nhưng lại mang giá trị lớn, tư tưởng lớn của Người về tinh thần đoàn kết dân tộc. Có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh dân tộc để đánh thắng giặc ngoại xâm, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với cơ quan, đơn vị chúng ta cũng vậy, cũng giống như một chiếc đồng hồ, mỗi cá nhân, mỗi ban là một bộ phận không thể thiếu. Tất cả đều có một nhiệm vụ riêng, dù lớn dù nhỏ nhưng đó đều là một phần quan trọng trong một tổ hợp tập thể, mỗi nhiệm vụ như một mắc xích nối lại với nhau. Để tạo nên một mối nối thật sự vững chắc thì mỗi chúng ta - một mắc xích phải thật sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng phát huy khả năng của mình, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Ước mong mỗi đảng viên Chi bộ chúng ta ai ai cũng ý thức và vận dụng liên hệ tư tưởng về đoàn kết dân tộc của Chủ tịch HCM với bản thân mình, nhận thức và chuyển hóa cách sâu sắc. Đoàn kết để ổn định, để đổi mới, sáng tạo, để làm nên tất cả chiến thắng bởi lẽ “ đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”./.
--Sưu tầm--