rong những năm qua, Công nghệ thông tin (CNTT) có những bước phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ (ĐĐ&BĐ). Các tổ chức quốc tế, khu vực và quốc gia trên thế giới đã triển khai các chương trình nghị sự cho sự phát triển và thức đẩy thông tin không gian địa lý để giải quyết các thách thức về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Hạ tầng dữ liệu không gian (SDI) ngày càng được phát triển.
Quá trình phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý của khu vực và thế giới
Hạ tầng dữ liệu không gian được chia thành các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia, địa phương và doanh nghiệp. Hạ tầng dữ liệu không gian của một quốc gia gọi là hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI).
Hiện nay, SDI đã trở thành một nguồn lực thông tin rất lớn đối với hầu hết các quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng nhanh tiến độ xây dựng xã hội thông tin và phát triển nền kinh tế trí thức, xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), đổi mới hệ thống hành chính theo hướng phục vụ người dân hiệu quả, minh bạch và dân chủ.
Từ những năm 1990, Liên Hợp Quốc đã khuyến khích các khu vực lãnh thổ khởi động việc xây dựng hạ tầng GIS khu vực. Các khu vực đã thành lập Ủy ban thường trực về thông tin địa lý và tổ chức hội nghị hằng năm để thảo luận về chủ đề xây dựng hạ tầng thông tin không gian của khu vực.
Năm 2011, Liên Hợp Quốc đã thành lập Ủy ban các chuyên gia về Quản lý thông tin không gian địa lý toàn cầu của Liên Hợp Quốc (UN-GGIM). UN-GGIM nhằm thống nhất hoạt động của các Uỷ ban khu vực: Châu Âu, Châu Á-Thái Bình Dương, Châu Phi và Châu Mỹ, đóng vai trò hàng đầu trong việc thiết lập chương trình nghị sự cho sự phát triển, kết nối thông tin không gian địa lý toàn cầu và thúc đẩy việc sử dụng thông tin địa lý để giải quyết các thách thức về phát triển kinh tế, BVMT.
Việt Nam hiện đang tham gia các hoạt động của Ủy ban các chuyên gia về quản lý thông tin không gian địa lý khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (viết tắt là UN-GGIM-AP, trước đây là PCGIAP). Ủy ban được thành lập theo Nghị quyết 16 của Hội nghị Bản đồ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 13, năm 1994. UN-GGIM-AP được thành lập với mục đích tối ưu hóa lợi ích kinh tế - xã hội (KT-XH) và môi trường thông tin địa lý theo Nghị quyết của Chương trình nghị sự 21 của Liên Hợp Quốc, tạo diễn đàn cho các quốc gia trong khu vực đạt tới các mục tiêu hợp tác trong việc phát triển hạ tầng thông tin địa lý khu vực và toàn cầu.
Tại khu vực Châu Âu, từ tháng 3/2007, Nghị viện châu Âu đã thành lập Hạ tầng Thông tin không gian tại Cộng đồng Châu Âu có tên INSPIRE. INSPIRE được triển khai qua nhiều giai đoạn và sẽ hoàn tất vào năm 2019.
Kinh nghiệm phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý một số nước
Nhật Bản
Từ năm 1990, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu quan tâm đến NGDI. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, các thông tin địa lý số và GIS chỉ được sử dụng trong các nghiên cứu, các hoạch định chính sách của Chính phủ, công tác tư vấn trong lĩnh vực tư nhân do giá thành dữ liệu, phần mềm rất cao.
Sau vụ động đất lớn năm 1995 tại thành phố Kobe, Chính phủ Nhật Bản thay đổi quan điểm về việc sử dụng thông tin không gian địa lý. Các cơ quan quản lý của Chính phủ nhận thấy cần phải đẩy mạnh việc xây dựng, quản lý và chia sẻ dữ liệu không gian địa lý trong công tác phòng, tránh và khắc phục các thảm hoạ thiên nhiên. Nhật Bản là nước thường phải chịu nhiều thảm hoạ như động đất, sóng thần, trượt lở đất, núi lửa, bão lụt… nên việc sử dụng thông tin địa lý để đối phó với các thảm hoạ rất được chú trọng phát triển. Hai trong số các ứng dụng của NSDI đã được Chính phủ Nhật Bản áp dụng như:
Về ứng phó với thiên tai: Phân tích và cung cấp các bản đồ qua mạng internet, điện thoại di động đánh dấu các con đường an toàn cho người dân di chuyển khi xảy ra động đất, các khu vực cần di dân khi có bão, lũ lụt, các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, các khu vực an toàn để trú ẩn... Các cảnh báo này thường được cập nhật tức thời và cung cấp rộng rãi cho các cơ quan quản lý và người dân giúp ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến thiên tai.
Về quản lý, quy hoạch: Cung cấp các bản đồ thể hiện thông tin liên quan đến xây dựng như những khu vực đang xây dựng, những khu trong quy hoạch; các thông tin liên quan đến cấp, thoát nước… Những thông tin này được sử dụng chung trong công tác quản lý của tất cả các ngành, các lĩnh vực có liên quan.
Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng NSDI theo các bước chính như: Phát triển và cập nhật dữ liệu thông tin địa lý cơ bản: Xây dựng hệ thống bản đồ địa hình tỷ lệ 1:25.000 và 1:2.500 (do Viện Đo đạc địa lý – Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch thực hiện); thúc đẩy việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan và phân phối dữ liệu đến người dân: Thành lập Uỷ ban quốc gia để quản lý NSDI. Các dữ liệu thông tin địa lý cơ bản được chia sẻ cho tất cả các cơ quan Chính phủ và các dữ liệu này được cập nhật theo quy định. Các dữ liệu này sẽ được sử dụng và tích hợp với các dữ liệu chuyên ngành bởi các cơ quan liên quan; tích hợp GIS với hệ thống định vị vệ tinh.
Malaysia
Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý Malaysia (MyGDI) là một sáng kiến của Chính phủ để phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý nhằm nâng cao nhận thức về các dữ liệu sẵn có và cải thiện việc tiếp cận thông tin không gian địa lý. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tham gia. MyGDI là một hạ tầng cơ sở dữ liệu không gian địa lý bao gồm cả các chính sách, tiêu chuẩn, nghiên cứu công nghệ và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao.
Quá trình phát triển MyGDI được bắt đầu từ trước năm 2000 và chia thành nhiều giai đoạn với các mục tiêu khác nhau: Xây dựng các trung tâm dữ liệu; số hoá bản đồ chuyên ngành; phát triển dữ liệu khung, tiêu chuẩn và chính sách; xây dựng cổng thông tin địa lý Malaysia (MyGDI portal), thúc đẩy các dịch vụ trên GDI; phát triển tối đa các ứng dụng và giải pháp. Mục đích của việc phát triển MyGDI là tránh đầu tư trùng lặp, thúc đẩy việc đầu tư hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực của liên bang, tiểu bang và chính quyền địa phương; hỗ trợ truy cập và khuyến khích việc hợp tác và điều phối trong việc sử dụng dữ liệu không gian địa lý tại các cấp. Thông qua MyGDI, các hợp tác thông minh giữa các cơ quan liên tục được phát triển để tạo ra và chia sẻ thông tin không gian địa lý một cách hiệu quả, cho phép các thành viên của cộng đồng không gian địa lý có thể chia sẻ và truy cập dữ liệu với nhau một cách thông suốt. Ngoài ra, MyGDI bảo đảm tránh trùng lặp, chính xác, kịp thời và nhất quán của dữ liệu được sử dụng trong quy hoạch, phát triển và quản lý tài nguyên.
Trung Quốc
Trung Quốc đã thành lập Ủy ban Điều phối Thông tin không gian địa lý quốc gia (NGICC) từ năm 2001, Uỷ ban này do Hội đồng quốc gia về Cải cách và Phát triển điều hành (NDRC). Cục ĐĐ&BĐ và thông tin địa lý Quốc gia Trung Quốc (NASG) là một trong những thành viên chính của Uỷ ban và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (DCGF). DCGF bao gồm 11 thành viên từ các bộ, ngành. Chính quyền nhiều tỉnh, thành phố cũng thành lập Ủy ban Điều phối Thông tin không gian địa lý địa phương. Ủy ban điều phối địa phương đã được thành lập cho hơn 10 tỉnh.
Việc xây dựng DCGF đã được Chính phủ Trung Quốc phê duyệt và dự án được thực hiện bằng nguồn NSNN. DCGF có một mối quan hệ chặt chẽ với chương trình CPĐT của Trung Quốc. Giai đoạn đầu tiên của chương trình CPĐT có 12 hệ thống ứng dụng và bốn cơ sở dữ liệu chính bao gồm cả TNTN và cơ sở dữ liệu thông tin địa lý (NRGID). SBSM đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập dữ liệu thông tin địa lý cơ bản quốc gia.
Từ kinh nghiệm phát triển NSDI của các quốc gia trên, có thể rút ra một số kết luận: Các chính sách và đầu tư của Chính phủ có vai trò rất quan trọng để định hướng phát triển NSDI; Chính phủ đóng vai trò lãnh đạo quá trình phát triển NSDI, điều phối các cơ quan liên quan và có những chính sách phù hợp khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào quá trình khai thác và sử dụng NSDI; quá trình phát triển NSDI phải gắn với quá trình xây dựng CPĐT để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ; việc sử dụng NSDI không chỉ tăng hiệu quả điều hành vĩ mô về phát triển kinh tế, ổn định xã hội, BVMT mà còn tăng trực tiếp nguồn thu cho Nhà nước từ việc nâng cao hiệu quả quản lý từ đất đai, thuế.
Ý kiến bạn đọc